Lâm Thanh Huyền
Dịch giả : Phạm Huê
Một chàng tiều phu hàng ngày lên núi đốn củi, anh ta sống một cuộc đời chất phác mộc mạc cho nên tâm tư rất bình thản và không phải lo nghĩ đến những sự việc xa xôi. Hôm nọ anh gặp một người lạ mặt giữa rừng già, người này chận anh lại để trò chuyện. Trong câu chuyện, hắn tự xưng là Yêu Quái có biệt tài về cảm ứng, nghĩa là hắn có thể đoán được những gì mà người khác đang suy nghĩ, đại để là hắn có thể đi guốc trong gan ruột của người khác. Con yêu quái nói với anh tiều phu rằng:
– Lâu này ta ở trên rừng cảm thấy buồn quá, cho nên lần này ta định đi xuống tỉnh thành của loài người để quấy phá thiên hạ chơi.
Chàng tiều phu giật mình kinh hãi, anh nghĩ rằng lần này chắc chắn thiên hạ sẽ đại loạn. Thử hỏi nếu như có ai biết trước điều gì trong lòng của ta rồi đem điều đó nói ra cho người khác biết thì có phải là một sự việc đáng sợ hay không? Những sự việc thị phi này sẽ làm cho tương quan giữa con người và con người càng lúc càng phức tạp, rối rấm hơn. Lấy một thí dụ đơn giản như thế này, trong cuộc sống của vợ chồng nếu như những gì ta suy nghĩ trong lòng mà người phối ngẫu của ta không biết được thì bản thân ta còn được một chút xíu không gian tự do; còn nếu như trong lòng ta đang suy nghĩ điều gì mà đối phương đều biết trước thì còn gì mà gọi là chuyện tư hữu được nữa. Anh chàng tiều phu nghĩ thầm trong lòng: “Nếu như con yêu quái này xuống ở chung chạ với loài người thì chắc chắc thiên hạ sẽ đại loạn, đại đại loạn. Không được, mình phải làm một cái gì để ngăn chặn, không nên để cho hắn xuống làm náo loạn trần gian”. Anh vừa nghĩ đến đây thì con yêu quái bỗng trổi lên một tràng cười ha hả:
– A, cái anh này, anh định tìm cách chặn đứng ta lại đó phải không? Ðừng hòng anh ơi! Mỗi khi ta đã quyết định điều gì thì không ai có thể ngăn cản ta được.
Chàng tiều phu giật mình kinh hãi: “Cha chả, con yêu quái này đúng là có thể đi guốc trong gan ruột của ta rồi, ta phải giết chết hắn mới được”.
Thế nhưng ý tưởng của anh vừa lóe lên thì con yêu quái tức thì vỗ tay la ré lên:
– Ha ha, bây giờ anh tức giận định giết ta nữa hay sao? Làm sao được? Anh định chém ta từ phía nào, ta đều biết trước để né tránh thì làm sao mà anh có thể giết ta được?
Tuy biết rằng con yêu quái có thể biết trước được những gì anh sắp sửa làm, thế nhưng ý chí đã quyết nên anh chàng tiều phu cũng giục búa chém nhầu. Quả nhiên anh không có cách nào chém trúng con yêu quái được. Nó nhảy bên này, tránh bên kia một cách lẹ làng khéo léo y hệt như nó đã biết trước được đường búa của anh sẽ đưa về hướng nào vậy. Chàng tiều phu đã cố gắng nhiều lần mà không thành công nên nghĩ thầm rằng:
– Bây giờ không giết được nó thì mình đành phải để mặc kệ chứ biết làm sao bây giờ. Mình đã “tận nhân lực”, bây giờ chỉ còn biết “tri thiên mệnh” mà thôi. Tốt nhất là hãy trở về công việc chính của ta trước.
Nghĩ như vậy, anh chàng tiều phu không thèm nói năng đếm xỉa gì đến con yêu quái nữa. Anh ta tiếp tục công việc đốn củi, xem sự có mặt của con yêu quái kia như pha. Thế nhưng con yêu quái đâu chịu để yên, hắn tiếp tục trêu chọc chàng tiều phu:
– Bây giờ anh chém không trúng ta, giết không được ta cho nên giả bộ đốn củi đấy phải không?
Chàng tiều phu không thèm đếm xỉa gì đến hắn nữa. Anh ta tiếp tục từng nhát, từng nhát bổ vào thân cây cổ thụ trước mặt. Anh làm việc chuyên cần chăm chỉ cho đến đỗi lưỡi búa đã lỏng dần khỏi cán mà anh vẫn không hay. Thế là vù một tiếng, cái lưỡi búa tầm sét của anh sút khỏi cán búa mà anh đang cầm bay vèo đến đập trúng vào đầu con yêu quái. Con yêu đang ngồi cười ha hả trêu chọc anh tiều phu chứ đâu ngờ tai họa tày trời này lại xảy ra đột ngột như vậy. Nó chỉ có thể đoán được những điều suy nghĩ trong gan ruột thiên hạ nhưng làm sao có thể phòng bị được những việc bất trắc cho nên đã bị lưỡi búa đập bể sọ chết tốt.
Câu chuyện ngụ ngôn này đã khuyên nhủ chúng ta điều gì? Chỉ có sự bình yên trong tâm hồn mới có thể hàng phục được tà ma ngoại đạo. Ma quỷ, yêu quái, những ý nghĩ xấu, tính tò mò trong đầu chúng ta chung qui đều có thể liệt vào hàng ma đạo. Nếu như anh tiều phu trong câu chuyện vừa kể không kềm chế tâm tư để giữ vững được sự bình yên thì không có cách nào mà anh có thể giết được con yêu quái cả.
Trái tim bình yên là một trái tim không chạy lang thang, không đập tán loạn, mà là một sự cố định, kiên cường, không ai có thể lôi cuốn được. Một vị cao tăng đắc đạo đương thời là cố hòa thượng Quảng Khâm có nói rằng: “Ðiều kiện tất yếu trong việc tu hành là bắt buộc ta phải có một trái tìm bình yên. Nếu như tâm ta không an, thì những cố gắng tu hành đều là những thứ giả dối. Bất luận ta có đọc thuộc bao nhiêu kinh sách, niệm bao nhiêu Phật hiệu nhưng nếu như cõi lòng của ta không được bình yên thì làm sao gọi là thành tâm và một lòng cầu đạo cho được”.
Nhắc đến cố lão hòa thượng Quảng Khâm, hình như mọi người đều công nhận ông là một vị đắc đạo cao tăng của Phật Giáo Trung Quốc trong vòng ba trăm năm trở lại đây. Kể từ năm 30 tuổi cho đến lúc ông tạ thế năm 95 tuổi, ròng rã hơn 60 năm trời ông không bao giờ đặt lưng nằm xuống mặt giường. Ðược biết lúc còn trẻ ông đã đi tu và giữ chức vụ Hành Ðường trong chùa. Chức vụ này có nhiệm vụ đánh thức những sư huynh đệ đồng môn vào mỗi buổi sáng để tăng chúng không trễ nải giờ giấc kinh kệ. Một đêm kia vì ngoài trời quá lạnh cho nên ông dậy trễ 5 phút so với giờ qui định, điều này khiến cho tất cả đồng môn sư huynh đệ đều dậy trễ. Cả chùa ngày hôm đó phải làm công quả muộn hơn những lúc bình thường. Sư Quảng Khâm rất ân hận về lỗi lầm này, tuy rằng không bị ai la rầy, nhưng là một người có trách nhiệm cho nên ông đã quì xuống trước mặt tất cả các sư huynh sư đệ để xin lỗi và trước Tam Bảo ông đã thệ nguyện rằng kể từ ngày hôm đó ông sẽ tự răn mình bằng cách không bao giờ nằm xuống giường để ngủ.
Sở dĩ ông làm như vậy vì sau khi tạo ra lỗi lầm, trái tim của ông không được bình yên, ông đã nghĩ đến cách dùng phương pháp khổ hạnh của Phật Môn để tự răn mình. Mỗi đêm khi mọi người đã ngủ ngon giấc điệp thì ông chỉ ngồi tọa thiền. Phải kính phục lòng trì giới kiên nhẫn của nhà sư, ông đã giữ nguyên vẹn lời thề lúc ban đầu suốt 65 năm.
Thật ra thì sau ba năm tọa thiền, Hòa Thượng Quảng Khâm đã lấy lại được sự bình an trong tâm hồn. Lỗi lầm trước kia đều đã tan biến, thế nhưng từ đó vấn đề tọa thiền đối với ông không còn là một sự thử thách cho ý chí và cơ thể nữa. Ông tiếp tục ngồi tọa thiền suốt 65 năm trời chỉ như một hình thức khổ hạnh của người tu hành.
Có nhiều đệ tử trẻ chưa biết trời cao đất rộng là gì nên muốn tu luyện theo phương pháp khổ hạnh của ông, thế nhưng nhà sư chỉ cười hiền dịu lắc đầu:
– Môn này không dễ đâu, thầy chỉ mong các con an tâm đọc kinh kệ sớm hôm, đừng quấy phá thiên hạ là thầy đã mãn nguyện lắm rồi.
Reviews
There are no reviews yet.